Bản dịch tiếng Việt do TS. Đào Thị Diến thực hiện (Bài viết cho Hội thảo khoa học quốc tế “Hồi ức, ký ức, tài liệu lưu trữ về Việt Nam- giá trị nhân văn nhìn từ nhiều phía” do trường Đại học KHXH & NV tổ chức ngày 24-10-2019 tại Hà Nội).
Olivia Pelletier[1]

Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp (Archives nationales d’outremer – ANOM) là nơi bảo quản tài liệu lưu trữ của phông Tổng cục Nhân công Đông Dương (Direction des travailleurs indochinois – DTI), cơ quan trực thuộc Bộ Thuộc địa chịu trách nhiệm quản lý nhân lực trong Thế chiến thứ hai. Thông qua việc phân tích một số ví dụ cụ thể, bài viết minh họa cho lợi ích của phông tài liệu này đối với các nhà sử học.
Bối cảnh lịch sử
Sau Thế chiến thứ nhất, chính quyền Pháp đã hướng tới việc xây dựng một khuôn khổ lập pháp để bù đắp cho việc thiếu nhân lực ở chính quốc trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Văn bản đầu tiên về việc dự kiến thiết lập một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhân công được tuyển dụng ở các thuộc địa đã ra đời vào tháng 10-1926. Chỉ thị ngày 24-7-1934 về “Chức năng của Sở Nhân công bản địa, Bắc Phi và Thuộc địa” xác định phạm vi hoạt động của tổ chức này. Sở Nhân công bản địa, Bắc Phi và Thuộc địa (Service de la Main – d’œuvre indigène, nord-africaine et coloniale – MOI) được thành lập theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Lao động vào ngày 18-11-1939 (không nên nhầm tổ chức này với Lực lượng lao động nhập cư, một tổ chức cộng sản được thành lập năm 1923 để giám sát lao động nước ngoài tại Pháp). Tổ chức MOI hoạt động dưới sự giám sát của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa theo Lệnh số 45-1276 ngày 14-6-1945. Theo Nghị định ngày 28-6-1945, tổ chức này được chuyên môn hóa và đổi tên thành Tổng cục Nhân công Đông Dương (Direction des travailleurs indochinois – DTI). Tổ chức mới này chịu trách nhiệm chỉ đạo, quản lý và đào tạo nghề cho người lao động Đông Dương có trụ sở tại Pháp và Bắc Phi. Tháng 3-1949, Tổng cục Nhân công Đông Dương (DTI) trở thành cơ quan trung tâm của người lao động Đông Dương, được sáp nhập vào Bộ Pháp quốc hải ngoại và tiếp đó, từ tháng 7 cùng năm 1949 lại được sáp nhập vào Bộ Quan hệ với các quốc gia liên kết. Tháng 12-1950, Phòng Giải thể nhân công Đông Dương (Bureau de liquidation des travailleurs indochinois) được thành lập ngay trong Bộ Chính trị và Văn hóa. Đúng như tên gọi, đơn vị này có các nhiệm vụ chính như giải quyết các trường hợp đang chờ xử lý khi giải tán cơ quan trung tâm về quản lý nhân công Đông Dương cũng như tổ chức việc hồi hương của các nhân công vẫn còn ở lại Pháp vào thời điểm đó. Chính đơn vị này là nơi phụ trách tổ chức các cơ sở tập kết của nhân công Đông Dương (base de débarquement des travailleurs indochinois – BDTI) tại Cap Saint-Jacques[2] ở Việt Nam. Việc tiếp nhận và vận chuyển các chuyến hồi hương của nhân công được hỗ trợ bởi BDTI cho đến khi đơn vị này giải thể vào tháng 9-1950, sau đó bởi Sở Xã hội của Cao ủy Đông Dương.

Tổng cục Nhân công Đông Dương (DTI) bao gồm một Sở và ba Phòng. Phòng thứ nhất có tên gọi “Các công việc của người Đông Dương”(Affaires indochinoises) chịu trách nhiệm chỉ huy các Đạo[3]và các Cơ[4]. Phòng này cũng chịu trách nhiệm đăng ký nhân công, đào tạo nghề (công nghiệp hoặc nông nghiệp) và nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến nhân công người Đông Dương. Điều 1 của Lệnh ngày 14-6-1945 quy định việc đào tạo nghề cho người lao động được đảm bảo bởi Văn phòng Thuộc địa với sự hỗ trợ của Bộ Lao động và An sinh Xã hội. Mười trung tâm đào tạo đã được thành lập.
Đơn vị thứ hai là Phòng “Các vấn đề hành chính” (Affaires administratives) có nhiệm vụ nâng bậc lương, khen thưởng, kỷ luật và kiểm soát nhân viên. Phòng này cũng chịu trách nhiệm về luật lệ và phân phối khối dự trữ quần áo và thực phẩm, cũng như đồ đạc đã mua và phân phối các thiết bị lao động. Nhiệm vụ của đơn vị này là quản lý kế toán tài chính, các lệnh chi trả của bộ phận quản lý và quản lý các vụ tranh chấp.
Đơn vị thứ ba là Phòng “Hỗ trợ y tế ” (Assistance médicale) chuyên lưu giữ hồ sơ y tế của người lao động và hợp tác với ban quản lý dịch vụ y tế thuộc địa. Phòng này có nhiệm vụ theo dõi các nhân công về mặt y tế, công việc này được thực hiện bằng một cuộc kiểm tra hàng tháng.
Ngay từ năm 1939, các cuộc tuyển dụng nhân công đã được thực hiện ở các thuộc địa khác nhau theo “Luật về tổ chức chung của quốc gia trong thời chiến” (ngày 11-7-1938). Văn bản này dự kiến việc tuyển dụng nhân công thuộc địa nhằm bù đắp cho việc thiếu nhân công ở chính quốc. Ở Đông Dương, hơn 20.000 nhân công tự nguyện hoặc bị trưng dụng đã được tập hợp bởi Toàn quyền Đông Dương. Toàn quyền là người phụ trách trưng dụng và vận chuyển nhân công là đàn ông đến chính quốc. Đến Pháp sau vài tuần vượt biển, những người mới được trưng dụng, chủ yếu là người gốc nông thôn, đã đến Marseille, nơi tập kết chính. Các nhân công sau đó được nhóm lại thành các Cơ có cùng nguồn gốc địa lý, mỗi Cơ đại diện cho khoảng 250 người (chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm 24 người), bao gồm cả thông dịch viên.

Mỗi nhóm hoạt động dưới sự chỉ đạo của một thông dịch viên. 72 Cơ nhân công Đông Dương được tập hợp thành 5 Đạo: Đạo 1 (Toulouse, sau đó là Agde, Lodève, Décines và Lyon); Đạo 2 (Bordeaux sau đó là Bergerac); Đạo 3 (Sorgues sau đó là Grenoble); Đạo 4 (Toulouse); Đạo 5 (Marseille). Cả 5 Đạo đều được đặt dưới sự chỉ đạo của các chỉ huy người Âu lấy từ chính quyền ở chính quốc hoặc từ quân đội thuộc địa. Các thông dịch viên và giám sát viên được tuyển dụng từ đội ngũ lính khố đỏ và khố xanh ở Đông Dương. Sau đó, các giám sát viên được đưa vào đội ngũ của nhân công. Người Đông Dương đến Marseille từ tháng 11-1939 được bổ dụng với quy chế của công nhân không chuyên[5], trong các nhà máy làm việc cho Quốc phòng (kho vũ khí, đạn dược, thuốc súng, đóng tàu biển và hàng không). Cơ sở chính của việc tập kết được chịu trách nhiệm bởi bộ phận quản lý nhân công, tổ chức tập kết và bổ dụng nhân công của các Cơ. Từ cuối năm 1939 đến tháng 6-1940, có 191 nhân công đã được hồi hương hầu hết vì lý do sức khỏe. Sau hiệp định đình chiến tháng 6-1940, những người không ở lại Pháp để tham gia các công việc tạp dịch đã được nhóm lại ở khu vực phía nam để chuẩn bị choviệc hồi hương. Khoảng 4.000 người Đông Dương đã trở về quê hương của họ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9-1941. Sau sự phong tỏa của Hải quân Anh và việc kết nối đường hàng hải với thuộc địa bị gián đoạn, các cuộc hồi hương đã phải dừng lại. Các nhân công còn lại sau đó được đưa vào phục vụ trong quân đội, làm các công việc đồn trú hoặc trong các xưởng sản xuất thuốc súng. Một số nhân công khác thì được các xí nghiệp tư nhân trong lĩnh vực dệt may hoặc công nghiệp tuyển dụng. Phần lớn nhân công được sử dụng để tái sản xuất nông nghiệp (trồng lúa ở Camargue) và lâm nghiệp (khai thác gỗ, đốt than). Đồng thời, chính quyền cũng thiết lập chương trình đào tạo nghề cho nhân công. Số nhân công Đông Dương còn lại ở Pháp trong giai đoạn này ước tính khoảng 15.000 người. Họ được tập hợp thành 60 Cơ và 5Đạo ở Marseille, Agde, Bergerac, Sorgues và Lyon-Vénissieux. Họ dần dần được hồi hương trong khoảng thời gian từ tháng 3-1946 đến năm 1950. Những yêu cầu cuối cùng cho việc hồi hương cá nhân bắt đầu có từ năm 1958.

Giá trị của phông Tổng cục Nhân công Đông Dương (DTI).
Phông DTI bảo quản các tài liệu liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tổng cục Nhân công Đông Dương trực thuộc Bộ Thuộc địa. Nó cũng bao gồm một số hồ sơ được sản sinh bởi Sở Nhân công bản địa, Bắc Phi và thuộc địa (Service de la Main – d’œuvre indigène, nord-africaine et coloniale – MOI) đã được nhắc tới ở trên. Một số hồ sơ có liên quan đến việc thành lập, tổ chức và giải thể của Tổng cục, thông qua các văn bản pháp quy, các bản ghi chép, báo cáo và công văn trao đổi khác. Tài liệu của Phông DTI cung cấp cho chúng ta thông tin về các nhân công Đông Dương đến Pháp trong khoảng thời gian từ 1939 đến 1958: việc tuyển dụng và đăng ký nhân công tại Đông Dương, đoàn của họ (khoảng thời gian đến nơi tập kết chính ở Marseille), sự phân bổnhân côngvào các Cơ, sự bố trí công việc cho nhân công của các công ty tư nhân sau đình chiến tháng 6/1940, quản lý tiền lương và khoản tiết kiệm của họ, theo dõi tình hình sức khỏe, hỗ trợ tinh thần và, nói chung, điều kiện sống và làm việc của các nhân công Đông Dương trong các đơn vị lao động.
Trong số những tài liệu đặc biệt nêu trên, người ta có thể nhấn mạnh đến giá trị nghiên cứu của các sổ ghi chép về sự quản lý tiền tiết kiệm của nhân công[6]. Chúng có dạng danh sách xếp theo số đăng ký tên nhân công (và do đó mà danh sách này cũng được sắp xếp theo khu vực xuất xứ địa lý của người lao động). Nó cũng chứa thông tin liên quan đến ngày đến Pháp, ngày hồi hương và ngày bị sa thải của nhân công. Những hồ sơ liên quan đến các đơn vị sử dụng nhân công cung cấp thông tin về địa chỉ các đơn vị, tiền lương và tiền thưởng của nhân công thông qua hợp đồng lao động và rất nhiều báo cáo hàng tháng. Ghi chép của chỉ huy các Đạo cũng như các bản tường thuật các cuộc thanh tra của các thanh tra viên, thường đi kèm với các bảng danh sách trong đó cung cấp chi tiết về cuộc sống hàng ngày của nhân công và điều kiện làm việc của họ. Các báo cáo, ghi chú, thư từ, tường thuật về các cuộc thanh tra của các thanh tra viên được soạn thảo trên cơ sở của việc giám sát chặt chẽ của các thanh tra viên đối với nhân công. Những tài liệu này phản ánh cam kết chính trị của nhân công, cho dù họ là những người đào ngũ, hay các nhà hoạt động trong các nhóm công đoàn hoặc các đảng phái chính trị. Gia đình của các nhân công được phản ánh trong các hồ sơ xin trợ giúp xã hội của họ (đơn xin trợ cấp, đơn xin được kết hôn với phụ nữ Pháp của nhân công). Phông Tổng cục Nhân công Đông Dương (DTI) rất cần thiết cho việc nghiên cứu về quản lý lực lượng lao động Đông Dương của chính quyền thuộc địa trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, nó cần được bổ sung bởi các hồ sơ được sản sinhra từ các cơ quan khác thuộc Bộ Thuộc địa hiện đang được bảo quản tại ANOM.

Tài liệu của Phông Tổng cục Nhân công Đông Dương (DTI) chuyển lại cho chúng ta những ký ức nào?
Tài liệu Phông Tổng cục Nhân công Đông Dương (DTI) là tài liệu lưu trữ hành chính, chính thức như phần lớn các phông tài liệu bảo quản tạiLưu trữ hải ngoại quốc gia (ANOM), nơi lưu trữ các tài liệu lưu trữ được sản sinh bởi các Bộ chịu sự quản lý của thế lực thực dân Pháp từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.
Phông DTI là một tập hợp tài liệu với nhiều chất liệu khác nhau (giấy, ảnh, bưu thiếp, phim), được tạo ra trong khuôn khổ hoạt động của đơn vị hình thành phông[7]. Toàn bộ tài liệu cấu thành Phông DTI đưa lại một cái nhìn tổng thể và sự hiểu biết về tổ chức cũng như về hoạt động của các đơn vị và các phòng ban, cả văn phòng của cơ sở trung tâm ở Paris và cả các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức các cơ sở tập kết của nhân công Đông Dương ởMarseille. Khối tài liệu này bao gồm các văn bản quy định chung hoặc liên quan đến những vụ việc cụ thể, các bản ghi chép và báo cáo, tài liệu kế toán.Với các loại hình khác nhau, khối tài liệu này cung cấp cho chúng ta những thông tin về thực tế đã diễn ra trong lịch sử và việc áp dụng các văn bản nói trên thông qua các báo cáo, thư từ, biên bản kiểm tra. Phông DTI cũng chứa đựng các hồ sơ liên quan trực tiếp đến việc quản lý nhân công. Tất cả những điều đó luôn luôn diễn ra theo quan điểm của chính quyền, được thể hiện thông qua các báo cáo của thanh tra viên, giám đốc các công sở, phụ trách các phòng, chỉ huy các Đạo hoặc đơn giản chỉ là của các viên chức bình thường. Ngoài việc cung cấp những thông tin về việc tuyển dụng nhân công, các chuyến vận chuyển bằng tàu biển, danh sách nhân công, con số ước tính, tài liệu của Phông DTI còn cho chúng ta biết việc đánh giá các kỹ năng làm việc của nhân công, về tiền lương, tình trạng sức khỏe và trạng thái tinh thần của những người mới được tuyển dụng… Nhân công là đối tượng mà các nhà viết văn chính thức đưa ra thông tin: hồ sơ cá nhân, danh sách tên, báo cáo, trang phục, hợp đồng tuyển dụng, tổ chức các khóa đào tạo[8].

Liệu chúng ta có thể tìm thấy trong một phông như vậy những tài liệu là chứng cứ phản ánh cái nhìn của bản thân những người nhân công về phía chính quyền, người đã tuyển dụng họ, nhưng cũng là cái nhìn vào hoàn cảnh cá biệt của chính họ ?
Ngay từ năm 1939, các cuộc tuyển dụng nhân công đã được thực hiện ở các thuộc địa khác nhau theo “Luật về tổ chức chung của quốc gia trong thời chiến” (ngày 11-7-1938). Văn bản này dự kiến việc tuyển dụng nhân công thuộc địa nhằm bù đắp cho việc thiếu nhân công ở chính quốc. Ở Đông Dương, hơn 20.000 nhân công tự nguyện hoặc bị trưng dụng đã được tập hợp bởi Toàn quyền Đông Dương. Toàn quyền là người phụ trách trưng dụng và vận chuyển nhân công là đàn ông đến chính quốc. Đến Pháp sau vài tuần vượt biển, những người mới được trưng dụng, chủ yếu là người gốc nông thôn, đã đến Marseille, nơi tập kết chính. Các nhân công sau đó được nhóm lại thành các Cơ có cùng nguồn gốc địa lý, mỗi Cơ đại diện cho khoảng 250 người (chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm 24 người), bao gồm cả thông dịch viên.

Về quan điểm của người lao động, chúng ta có một con đường tiếp cận gián tiếp thông qua các báo cáo thanh tra. Các thanh tra viên được gửi thường xuyênđến các phòng ban khác nhau của Tổng cục Nhân công Đông Dương để kiểm tra hoạt động của các Đạo và các Cơ, hoạt động của cơ sở tập kết ở Marseille hoặc để báo cáo về tình hình chung của lực lượng nhân công. Thông qua các thanh tra viên, chúng ta có thể “nghe”được tiếng nói của những nhân công mà họ gặp, đặt câu hỏi, quan sát trong các chuyến thanh tra của họ. Tinh thần và trạng thái tư tưởng của nhân công là mối quan tâm thường xuyên của chính quyền. Họ luôn chú ý đến việc xác định và khoanh vùng các điểm có tư tưởng bất mãn hoặc các khu vực có tư tưởng phản đối trong nhân công trước khi bùng nổ tình trạng bất ổn đối với chính quyền.

Có một khối lượng tương đối phong phú thư từ của người lao động được lưu trong Phông DTI. Đây chủ yếu là những bức thư viết tay bằng tiếng Pháp hoặc chữ Quốc ngữ (bản dịch thường được đính kèm với bức thư). Thư tín riêng rất hiếm, một số bưu thiếp chắc chắn bị chặn bởi kiểm soát bưu chính, đó là thư từcủa công nhân có thể bị mất tích hoặc bị giữ như những kẻ đào ngũ. Hầu hết các thư khác đều do các công nhân viết gửi đến chính quyền (đó là lý do tại sao chúng được giữ trong Phông này cho đến ngày nay). Đây thực chất là những yêu cầu hồi hương của cá nhân người lao động và gia đình Pháp của họ hoặc những yêu cầu cụ thể về tình trạng hôn nhân của người có liên quan (hủy bỏ hôn nhân vì lý do quan hệ hôn nhân kép ở Pháp và Đông Dương[9], yêu cầu ly hôn), đó cũng có thể là những lá thư của người thân gợi lại hoàn cảnh của một nhân công nào đó.

Nghị định ngày 1-12-1946 quy định rằng “những người vợ hợp pháp, những đứa con hợp pháp hoặc những đứa con tự nhiên được công nhận” của nhân công thuộc Tổng cục Nhân công Đông Dương (DTI) được quyền đi lại miễn phí tới Đông Dương vào thời điểm đó hoặc sau khi chồng hoặc cha họ trở về. Một số yêu cầu hồi hương vì sức khỏe kém, hoặc thất nghiệp kéo dài. Trái lại, có những người khác thì lại yêu cầu được ở lại Pháp để theo đuổi việc đào tạo chuyên nghiệp đang trong thời gian thực hiện. Yêu cầu hồi hương (hoặc không hồi hương) đã được gửi đến Tổng Cục trưởngTổng cục Nhân công Đông Dương. Kèm theo đó là một số tài liệu chứng minh (bản khai hộ tịch, giấy trưng dụng tạm thời, vị trí công việc đang nắm giữ, thư giới thiệu, giấy chứng nhận của người sử dụng nhân công, giấy chứng nhận của chính quyền làng xã ở Việt Nam…). Những tài liệu này rất chi tiết: nhân công trình bày ở đây tình trạng khó khăn của mình (gia đình tái hợp, gia đình kép[10], cha mẹ chết hoặc cha mẹ già, bệnh tật, khó khăn tài chính…), đôi khi đó chỉ đơn thuần là cảm giác cá nhân (sự xáo trộn về tinh thần, nỗi buồn, sự cô đơn…).
Phông Tổng cục Nhân công Đông Dương (DTI) chủ yếu cung cấp những thông tin cần thiết cho sự hiểu biết về quản lý nhân công Đông Dương của chính quyền thuộc địa trong Thế chiến thứ hai, nó cũng cung cấp một số tài liệu cho phép minh họa về ký ức cá nhân, cũng như ký ức của nhân công Đông Dương nói chung trên đất Pháp.
[1]Quản thủ viên trưởng, chịu trách nhiệm về các fonds tài liệu của Đông Dương ở ANOM. Người dịch báo cáo: TS. Đào Thị Diến.
[2] Tức Vũng Tàu. Tất cả chú thích trong bài đều của người dịch.
[3]Đạo: Légion (tức quân đoàn).Trong Thế chiến thứ hai, nhân công Đông Dương tại Pháp bắt buộc phải sống trong các trại theo kỷ luật quân đội. Lúc đó, các cơ quan nhà nước và cả doanh nghiệp tư nhân ở Pháp đều có thể sử dụng số nhân công thuộc địa này nếu chấp thuận các điều kiện do tổ chức MOI đưa ra.
[4] Cơ: Compagnie (tức đại đội). Xem thêm chú thích số 3.
[5]Ouvriers non spécialisés (ONS – còn gọi là lính thợ).
[6]Theo một số nhân chứng từng là lính thợ không chuyên (ONS) ở Pháp thời kỳ 1939-1953 thì sổ tiết kiệm của họ không được chính phủ thực dân chi trả.
[7] Đơn vị hình thành phông DTI gồm Sở Nhân công bản địa, Bắc Phi và thuộc địa (Service de la Main – d’œuvre indigène, nord-africaine et coloniale – MOI) và Tổng cục Nhân công Đông Dương (Direction des travailleurs indochinoises – DTI).
[8]Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất về lính thợ Đông Dương ở Pháp trong Thế chiến thứ hai là “Di cư cưỡng bức: Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1952)” (Immigrés de force: Les travailleurs indochinois en France (1939-1952)[8]của Pierre Daum, cựu thông tín viên tờ Libération ở Áo, cộng tác viên của nhiều tờ báo lớn ở châu Âu như Le Monde, L’Express, Belgique, La Tribune de Genève…, phóng viên tờ Libération ở vùng Languedoc-Roussillon. Để hoàn thành tác phẩm này, Pierre Daum đã phải trải qua một cuộc hành trình hơn ba năm khổ công tìm kiếm tài liệu trong các kho lưu trữ ở Paris, Aix-en Provence, Hà Nội… và lặn lội khắp các vùng Paris, Marseille, Hà Nội… để tìm nhân chứng sống – những người đã tham gia vào dòng thiên di của 2 vạn người Đông Dương thời kỳ 1939-1952 để thu thập thêm những thông tin về đời sống và điều kiện lao động khổ ải của những người lính thợ Đông Dương ở Pháp trong giai đoạn ấy.
[9] Chỉ trường hợp chồng là người Đông Dương (có thể đã có vợ ở Đông Dương) kết hôn với phụ nữ Pháp.
[10]Xem chú thích số 8.
TS. Đào Thị Diến
Thảo luận
Không có bình luận