Các bài báo (Les articles)

Lính thợ Đông Dương tại Pháp (1939 – 1952)

THÔNG TIN TỌA ĐÀM:

LÍNH THỢ ĐÔNG DƯƠNG TẠI PHÁP (1939 – 1952)

linh thoDiễn giả: Pierre Daum và Đào Hùng

Thời gian: 14h30 – 17h, thứ Sáu, 25 tháng Sáu năm 2010

Địa điểm: Hội trường tầng 4, VUSTA – 53 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Thứ Sáu, ngày 25/06/2010 (hồi 14:30), nhà báo Pierre Daum và nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Đào Hùng sẽ cùng nhau trao đổi về chủ đề “Lính thợ Đông Dương tại Pháp (1939 – 1952)”. Tọa đàm này nhằm mở lại một trang lịch sử từng bị che khuất trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam – đây cũng là nội dung nghiên cứu của Pierre Daum trong cuốn sách của ông: Immigrés de force, Les travailleurs indochinois en France (1939-1952), Nxb Actes Sud, 2009; cuốn sách đang được dịch và sắp được xuất bản tại Việt Nam. Tọa đàm do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Tạp chí Xưa và Nay Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội phối hợp tổ chức.

Nội dung tọa đàm:

Sau hơn 60 năm im lặng, một trang của lịch sử thuộc địa ở Đông Dương đã được giở lại: đấy là việc sử dụng, trong những điều kiện gần với chế độ nô lệ, nhân công “bản xứ” trên đất Pháp. Thế chiến II bùng nổ, nước Pháp không những cần binh lính, mà còn cần những người thợ trong các xưởng vũ khí, để thay thế cho công nhân Pháp đã đi lính. Để làm những công việc cực nhọc, như trộn thuốc súng, năm 1939 nước Pháp đã đưa 20.000 người Đông Dương từ thuộc địa Đông Dương sang Pháp. Phần lớn bị tuyển mộ cưỡng bức chứ không phải có phần nào tự nguyện như khi tuyển lính bộ binh (mà thời đó ta quen gọi là lính tập hay lính khố đỏ). Cập bến Marseille, họ bị đưa vào nhà tù Baumettes, rồi được phân bổ đi khắp nước Pháp đến những xí nghiệp thuộc ngành quốc phòng, để được gọi là “lính thợ không chuyên” – ONS. Bị kẹt lại ở chính quốc trong suốt thời gian nước Pháp thua trận, tuy không còn làm trong các nhà máy quân sự, nhưng họ vẫn bị nhốt trong những trại có kỷ luật rất nghiêm khắc, sức lao động trở thành món hàng của Nhà nước Pháp, cho các công ty công hoặc tư thuê, mà không được trả một đồng lương tử tế. Tình trạng đen tối đó vẫn duy trì rất lâu sau khi nước Pháp được giải phóng. Từ năm 1946 họ được đưa trở về Việt Nam một cách nhỏ giọt, và mãi đến năm 1952 những người cuối cùng mới được trở về tổ quốc. Trong khi đó khoảng một nghìn người đã chọn ở lại định cư tại Pháp.

Sau ba năm điều tra từ những vùng ngoại ô Paris và Marseille, cho đến Hà Nội và những làng quê hẻo lánh ở Việt Nam, Pierre Daum đã tìm được 25 nhân chứng cuối cùng còn sống để viết lại những trang cay đắng của lịch sử thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Nghiên cứu của Pierre Daum đã góp phần tác động đến thái độ của Nhà nước Pháp đối với những đóng góp của người lao động Đông Dương. Ngày 10 – 12 – 2009, tại thành phố Arles, miền Nam nước Pháp, chính quyền thành phố đã trao tặng huy chương cho những người lao động Đông Dương còn sống sót như một biểu hiện vinh danh những người lao động đã đóng góp vào sự phát triển của nước Pháp sau Thế chiến II và ngày nay.

Thông tin về diễn giả:

Pierre Daum: nhà báo, tác giả cuốn sách Di cư cưỡng bức – Những người lao động Đông Dương tại Pháp (1939-1952), Nxb Actes Sud, 2009, từng là giáo viên Văn học trước khi trở thành phóng viên của tờ Le Monde vào năm 1999, sau đó là phóng viên thường trú của tờ Libération tại Vienne. Hiện ông là cộng tác viên của tờ Le Monde Diplomatique và nhiều tờ báo khác. Email : pierre.daum@wanadoo.fr

Đào Hùng: nhà báo, nhà sử học, Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, thành viên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Email: daohungtrinh@gmail.com

 

Thông tin về các đơn vị tham gia tổ chức toạ đàm:

Tạp chí Xưa và Nay: là một thành viên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tạp chí ra đời năm 1994 nhằm mục đích đưa kiến thức lịch sử đến đông đảo bạn đọc. Sau 16 năm hoạt động, tạp chí Xưa và Nay đã trở thành địa chỉ uy tín cho các nhà khoa học và công chúng quan tâm đến sử học cũng như các ngành khoa học nhân văn của nước nhà.

Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, tiền thân là Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh, được thành lập tháng 01 năm 2007. Việc đổi tên thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2008 đánh dấu sự mở rộng các hoạt động của Quỹ. Bên cạnh chương trình tài trợ và hỗ trợ dịch thuật các tác phẩm thuộc dự án Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới, Quỹ có nhiều hoạt động văn hóa khác, đặc biệt là việc khuyến khích, tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc; tổ chức đào tạo và phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam và thế giới. Hiện nay Quỹ trao các giải thưởng “Giáo dục”, “Dịch thuật”, “Việt Nam học” và giải “Nghiên cứu” cho các nhà hoạt động giáo dục, nhà khoa học, dịch giả trong và ngoài nước.

Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội (L’Espace Hanoi): thành lập tháng Chín năm 2003 tại Hà Nội, tiền thân là Trung tâm Alliance française Hanoi. Thông qua các hoạt động đa dạng như dạy tiếng Pháp, trưng bày, triển lãm, chiếu phim, hoà nhạc, toạ đàm, bàn tròn… cùng các hoạt động hỗ trợ, tài trợ phát triển văn hoá, L’Espace Hà Nội đang đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ, hỗ trợ phổ biến ngôn ngữ và văn hoá Pháp cũng như thúc đẩy sự phát triển của văn hoá bản địa Việt Nam.

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.