Uncategorized

Tôi là thành viên của gia đình lính thợ Đông Dương

Từ ngày biết câu chuyện của những người lính thợ Đông Dương, lập blog về họ, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến một ngày mình lại là thành viên trong gia đình của một người lính thợ Đông Dương. Nhận được email của Joel Phạm tôi cũng chưa thể hình dung và cũng không nghĩ rằng anh gửi cho tôi hồ sơ và ảnh của em trai ông nội tôi.

P1350397Cho đến tận năm 2009 trước ngày mất, ông nội tôi vẫn kể về một người em của ông. Gia đình tôi, bố mẹ và anh chị em chúng tôi cũng chỉ biết về ông qua lời kể của ông bà và tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên ông.

Ông bà nội tôi kể rằng, làng tôi lúc đó nghèo lắm, toàn nông dân, cả làng chỉ có 1,2 người biết chữ mà cũng chỉ là chữ nho, chữ Hán. Ông nội tôi sinh năm 1912, em trai ông sinh năm 1915. Năm 1939 em trai ông đi lính sang Pháp đánh nhau. Đi một mạch đến khoảng giữa năm 1946 thì về. Ông tôi kể, ngày từ Pháp trở về làng, ông khoác một chiếc áo ba-đờ-suy dài đến ngang ống chân. Ông về chẳng mang được gì cả. Đi gần chục năm mà về chỉ có mỗi cái va li xách tay. Trong tâm trí tôi, một đứa trẻ, một chàng thanh niên của những năm 1980, 1990 và những năm 2000 thì việc một người đi nước ngoài từng đấy thời gian mới về mà chỉ có một cái va li xách tay thì thật lạ. Hầu hết lứa chúng tôi đề nghĩ đi nước ngoài về là phải thùng to, thùng nhỏ, là quà, là bánh. Ngày bố tôi đi Liên Xô về. chị em chúng tôi còn được một con búp bê biết chớp mắt, biết khóc oe oe cơ mà. Chúng tôi đâu biết rằng vào cái năm 1939 đến 1950 nước Pháp cũng đâu có giàu có và sung sướng.

Ông tôi kể rằng, ngày về em trai ông nói rằng ông là lính chiến ở Pháp, đã từng tham gia đánh nhau với quân Đức ở ngoài mặt trận. Rồi khi Bác Hồ sang dự hội nghị năm 1946 thì nghe lời kêu gọi của Bác mà ông đã về để chiến đấu bảo vệ đất nước. Vậy là ông về. ở nhà được mấy ngày thì ông vào Hà Đông gia nhập quân đội và đóng quân ở đó. Ông bà nội tôi lúc đó cũng đã vào thăm em mình một vài lần. Thế rồi mấy tháng sau ông hy sinh trong một trận đánh ở Hà Đông với quân Pháp đầu năm 1947.

Tôi nhớ có một lần tôi hỏi cả ông và bố về sao ở nhà không có ảnh của ông mà chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công. Cả hai người đều nói rằng, ngày đó nhà nghèo, có ai nghĩ đến việc chụp ảnh đâu. Nông dân mà, chụp ảnh là một việc xa xỉ. Đói không đủ ăn nói gì đến chụp hình giữ lại. Và thế là từ ngày nhận được giấy báo tử, nhận được bằng Tổ quốc ghi công, ông nội tôi và bây giờ là bố tôi rồi đến chúng tôi đều thờ ông, cúng giỗ ông chỉ với một mảnh giấy ghi ngày hy sinh.

Gần 70 năm trôi qua, có lần tôi đã hỏi ông nội tôi về việc đi tìm mộ của ông nhưng ông nội tôi nói rằng hồi đó ông và một số người trong gia đình biết tin đã vào Hà Đông, nơi ông đóng quân để hỏi và tìm nhưng không thấy. Thời gian trôi đi cũng không ai nói đến việc đi tìm mộ ông nữa. Chúng tôi cũng chỉ biết đến ngày giỗ của ông thì thắp hương cho ông.

Rồi tôi được đi Pháp học lần đầu tiên năm 2000. Tự nhiên cả ông nội tôi và bố tôi đều bảo tôi: sang đó thì thử hỏi mọi người thông tin về ông. Tôi sang Pháp học có hai tháng, cũng quen một vài người Việt nhưng không ai biết. Tôi trở về, câu chuyện dừng lại ở đó.

Thế rồi tôi lại sang Pháp học lần nữa. May mắn tôi được gặp một người Việt đã sống ở Pháp từ năm 1948. Ông kể tôi nghe rất nhiều về những người lính thợ, về nỗi khốn khổ của họ trong thời gian sống trên đất Pháp và dẫn tôi đi gặp một số người. Tôi có hỏi những người lính thợ về em trai của ông nội tôi nhưng không ai biết. Họ đều nói, lính thợ còn không biết nhau hết nói gì là lính chiến. Tôi về nước và cũng có đi gặp một vài ông lính thợ nhưng rồi cũng không ai biết. Những thông tin về em trai của ông nội tôi vẫn dừng lại ở đó, ở con số 0 tròn trĩnh.

Rồi tôi được tiếp cận hồ sơ của những người lính thợ. Càng đọc tôi càng thấy cần phải làm, phải quảng bá để người Việt Nam biết thêm về những người lính thợ, những người nông dân Việt Nam tại Pháp. Và thế là tôi lập trang blog của mình. Tôi đưa lên tất cả những gì liên quan đến lính thợ mà tôi kiếm được trên mạng cùng những tài liệu mà tôi có được. Đôi lúc cũng sao nhãng vì công việc nên thông tin đưa lên cũng không đều đặn.

Ngày 26/11/2014 tôi đến trung tâm văn hóa Pháp tại Tràng Tiền tham dự buổi giới thiệu cuốn sách “Lính thợ Đông Dương – một trang sử thuộc địa Pháp bị lãng quên” của nhà báo Pierre Daume, anh cũng đã đến nhà tôi để xem những tài liệu của các ông lính thợ. Tại đây tôi đã gặp anh Lại Văn Lịch, người đã đi tìm một tấm ảnh của ông nội mình suốt hơn mười năm và đã tìm thấy. Nói chuyện với anh tôi mới biết anh cũng nhờ người quen tìm hộ bên Pháp. Lúc đó tôi mới sực nhớ đến Joel Phạm, người mà tôi đã gặp và đề nghị anh giúp đỡ. Kỳ lạ thay người đã tìm ảnh của ông nội anh Lịch cũng chính là Joel Phạm. Tôi cũng không dám hy vọng nhiều vì thông tin của ông tôi biết quá ít, chỉ mỗi cái tên, năm sinh cũng không dám khẳng định chính xác và tên các cụ thân sinh của ông. Ông lại là lính chiến và Joel Phạm lại làm chủ yếu về lính thợ. Vậy mà…

Hai tháng sau, tôi nhận được thư Joel Phạm chỉ hỏi thêm một số thông tin về làng quê của tôi. Anh nhắc đến cả tên cổ của làng tôi, điều mà lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe lại. Sau khi tôi xác nhận chính xác thì ngay hôm sau tôi nhận được thư của anh trong đó có kèm ảnh, hồ sơ của ông tôi.

Sự xúc động trào dâng trong tôi khi tải xong ảnh của ông về điện thoại. Vậy là sau 68 năm kể từ ngày ông tôi hy sinh, 76 năm từ ngày ông sang Pháp, gia đình tôi đã có được tấm ảnh của ông. Và điều mà tôi không ngờ nữa, ông tôi cũng là một trong số 20.000 lính thợ bị buộc sang Pháp năm 1939.

Vậy là tôi đã là một thành viên của gia đình lính thợ Đông Dương.

Thảo luận

19 bình luận về “Tôi là thành viên của gia đình lính thợ Đông Dương

  1. Anh ơi Anh có thể chỉ cho Em cách liên lạc để tìm người thân đi lính cho Pháp không ạ.Ông Bác em Tên là Phùng Văn Diện đi lính cho Pháp năm 1939.quê quán Vĩnh khang-Vĩnh Thạch -Thanh Hóa. đi sang Ông bác em đi thay cho ông nội em tên là Phùng Văn Thể sinh năm 1912 do ông em còn nhỏ, khi đi có 17 người trong làng cùng đi.Sang đến cảng Marseille thi mất 2 người cùng làng.Về sau này thì Ông Bác em có lập gia đình với 1 bà người Pháp sinh được 3 người con tên là : Thới, Lân, La.Ông Bác vẫn liên lạc với gia đình đến những năm 70 Ông bác làm nghề lái xe và bị tai nạn giao thông từ đó mất liên lạc với gia đình em.Mong Anh hướng dẫn giúp em vói ạ.em cảm ơn Anh

    Posted by Phùng Phương | 20/07/2016, 20:29
    • TÔi sẽ nhờ bạn bè bên Pháp tìm giúp. Bạn chịu khó đợi nhé.

      Posted by ngsbang | 20/07/2016, 20:53
      • Tôi có nhiều ảnh về lính thợ biết đâu có ông mấy bạn trong đó…09

        Posted by Huy | 16/01/2018, 05:26
      • Cảm ơn anh Huy nhiều. Nếu có thể cho phép tôi được đến thăm anh và cho phép tôi đuọc xem những bức ảnh mà anh còn lưu giữ về những người lính thợ Đông Dương.

        Posted by ngsbang | 16/01/2018, 07:12
    • Tôi rất muốn liên hệ với bạn, tôi có người ông cũng đi lính ONS sang Pháp từ 1939, về VN vào 1946.Bây giờ ông đã mất-tên Nguyễn Văn Phong-quê Thanh Giang-Thanh chương-Nghệ an.Cảm ơn anh

      Posted by Trần Văn Mai | 04/08/2018, 16:30
      • Địa chỉ mail và số điện thoại của tôi đã có trên trang này rồi anh Mai ơi. Tôi đã chuyển tên và quê quán của cụ Nguyễn Văn Phong sang bên Pháp. Có thông tin họ sẽ báo anh ạ.

        Posted by ngsbang | 07/08/2018, 14:57
      • Thường thì khi tìm thân nhân như vậy cần có thông tin về: Họ tên; ngày tháng năm sinh; họ tên cha; họ tên mẹ ( vì trong hồ sơ người pháp có ghi đầy đủ như vậy và với những thông tin này việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều)

        Mong anh cung cấp thêm thông tin và địa chỉ email của tôi để việc tìm kiếm được thuận lợi hơn.

        Cảm ơn anh nhiều

        Posted by ngsbang | 27/03/2019, 15:23
  2. Tôi có bố đẻ là Nguyễn Ngọc Chác (Trác) sinh năm 1939 và chú ruột là Nguyễn Ngọc Biểu sinh năm 1913 quê ở Sen Chiểu, Phúc Thọ, Sơn Tây, nay là Hà Nội, cả hai cụ đều đã mất năm 2003. Đề nghị quý vị tìm giúp ảnh và tư liệu về hai cụ khi ở Pháp từ 1939-1949. Trân trọng cảm ơn!

    Posted by Dũng Nguyễn Ngọc | 22/03/2019, 06:10
    • Anh Nguyễn Ngọc Dũng thân mến.

      Trong danh sách của bạn tôi, ở Pháp, về Sơn Tây tôi có một người có thể là ông Nguyễn Ngọc Biếu. Tên ông ấy được ghi là Nguyễn Ngọc Diệu, tôi nghĩ vậy, ông ấy cũng đến từ làng Sen Chiểu.

      Trong hồ sơ của ông Nguyễn Ngọc Diệu có ghi cụ ông thân sinh ra ông ấy đã mất và cụ bà là Kiều Thị Thanh. Từ làng Sen Chiểu, bạn tôi thấy có 3 người có tên ( hoặc họ) là Kiều. Hiện tại bạn tôi không thể tìm thấy tên ông Nguyễn Ngọc Trác ( Chác), bạn tôi có tìm thấy một người là Nguyễn Ngọc Tôn ở cùng làng (Mẹ là Kiều Thi Hun). Bạn tôi cũng thấy có 3 người có họ là “Nguyễn Ngọc” nữa nhưng không có thông tin nào khác và không biết họ có ở làng Sen Chiểu không.

      Thường thì khi tìm thân nhân như vậy cần có thông tin về: Họ tên; ngày tháng năm sinh; họ tên cha; họ tên mẹ ( vì trong hồ sơ người pháp có ghi đầy đủ như vậy và với những thông tin này việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều)

      Mong anh cung cấp thêm thông tin và địa chỉ email của tôi để việc tìm kiếm được thuận lợi hơn.

      Cảm ơn anh nhiều

      Posted by ngsbang | 27/03/2019, 15:16
    • Tôi xin lỗi vì đã đăng nhầm năm sinh của bố tôi là cụ Nguyễn Ngọc Chác (Trác), cụ sinh năm 1909. Có mẹ là Kiều Thị Thanh. Chú ruột tôi là Nguyễn Ngọc Biểu sinh năm 1913 có mẹ là cụ Thanh đã được tìm thấy danh sách. Kính nhờ anh tìm hộ cụ Chác (Trác) anh nhé. Cụ Nguyễn Ngọc Tôn sinh 1910 (có mẹ là Kiều Thị Hun) là anh họ cùng chi với tôi anh ạ. Có còn ai là người xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây cũ, nay là Hà Nội cũng nhờ anh tìm và báo tin giúp. Xin cám ơn anh rất nhiều.

      Posted by Nguyễn Ngọc Dzũng | 22/03/2021, 07:30
  3. Xin chào anh,
    Em có ông nội tên Đỗ Văn Chứ ( quê quán xã bồ đề, thôn Bồ đề, huyện Bình Lục, Tỉnh Hà Nam Ninh ( nay là Hà Nam)). Cũng là lính thợ, có tham gia đợt gặp bác Hồ năm 1946, sau đó bị đuổi về ( do tham gia ĐCS Pháp). Nếu có được thông tin cho mình xin hình ảnh hay tài liệu của ông nội.
    Đỗ Khoa ( 0938947922)

    Posted by ĐỖ ĐĂNG KHOA | 06/08/2019, 14:53
  4. cháu chào Chú, cháu là Nông Thiện Doanh 34 tuổi ở Cao Bằng. Cháu có Cụ là Nông Văn Giao, Sinh 1910, quê quán tại Lăng Yên (hoặc Lăng Hiếu) Trùng Khánh, Cao Bằng, Việt Nam. Con ông Nông Văn Ngọc, bà Nông Thị Đâu (Dâu), có vợ là Hứa Thị Đắc. Cụ đi lính thợ từ 1939, đến năm 1949 thì chuyển làm công nhân tại nhà máy Citroen (số thẻ kỹ sư là No S.S.1.10.05.98.506.356) . Đến ngày 3/4/1973 thì mất tại Paris tại 184 Rue du Faubourg Saint-Antoine (có lẽ là bệnh viện). Có số hồ sơ tại Vụ lương hưu trí của Quỹ liên nghề nghiệp dự phòng của cán bộ là: 10007543V -79-. Hiện nay ông bà cháu (Con cụ Giao) đã mất nên không còn bất cứ liên lạc nào nữa. Vậy kính mong Chú giúp cháu chia sẻ thông tin của cháu đến cộng đồng gia đình những người Lính thợ tại Pháp để gia đình cháu có thể có thêm thông tin về cụ cháu. Cháu cảm ơn chú nhiều ạ.

    Posted by nông thiện doanh | 30/03/2020, 16:27
  5. Em xin chào anh,
    Em có ông cố ngoại tên là Vương Thúc Nhâm, sinh năm 1912 quê quán thôn Đồng Đốc, xã Hữu Biệt, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là thôn Đại Đồng, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ông cố em đi lính thợ lúc ông ngoại em còn nhỏ tuổi nên không nhớ chính xác năm đi, chỉ là nhớ khoảng 1935_1937. Ông cố em mất tại Pháp, gia đình đã muốn tìm thông tin hoặc mộ phần của ông cố nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Nếu có thông tin hoặc hướng dẫn gì mong anh có thể chia sẻ cùng gia đình.
    Anh có thể liên lạc qua số điện thoại: Trần Đình Phi
    +84 986.77.55.68 (zalo)
    +95 9787.177.904 (viber)

    Xin chân thành cảm ơn anh!

    Posted by dinhphi tran | 21/08/2020, 02:21
    • Bạn chờ nhé. Tôi sẽ hỏi thông tin bên Pháp. Có thông tin tôi sẽ báo cho bạn ngay. Hy vọng chúng ta sẽ tìm thấy.

      Posted by ngsbang | 21/08/2020, 06:37
      • Thay mặt gia đình xin cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của anh. Kính mong anh luôn bằng an và mạnh khoẻ!

        Posted by Trần Đình Phi | 27/08/2020, 18:46
      • Chào bạn
        Thông tin từ bên Pháp báo về: Hiện tại chưa tìm thấy thông tin về ông cố ngoại của bạn trong hồ sơ các lính thợ Đông Dương. Việc tìm kiếm đang được mở rộng ra các kho tư liệu và hồ sơ khác.
        Nếu gia đình có thể, bạn làm ơn cung cấp một số thông tin sau đây cho tôi (bạn gửi vào địa chỉ mail của tôi)
        1. Họ tên các cụ thân sinh của ông cố ngoại của bạn
        2. Địa chỉ chính xác thời Pháp
        3. Năm đi Pháp. (Lính thợ Đông Dương chỉ bắt đầu đi sang Pháp từ cuối năm 1939)
        Mong tin của bạn

        Posted by ngsbang | 27/08/2020, 22:01
      • Bạn có thể tham khảo thông tin mà bạn Nông Thiện Doanh ở Cao bằng ( trước comment của bạn) cung cấp cho tôi. Sau khi có thông tin như vậy chúng tôi đã tìm thấy mộ và địa chỉ chính xác của nghĩa trang. Hiện gia đình đang bàn bạc và lên phương án để có thể thực hiện được mong muốn là đưa hài cốt người thân về Việt Nam.

        Posted by ngsbang | 27/08/2020, 22:05
  6. Xin cảm ơn anh rất nhiều. Do lúc cố ngoại em đi Pháp thì ông ngoại em còn nhỏ tuổi, gia đình đã đánh mất giấy tờ và thư từ nên không thể nhớ địa chỉ ở bên Pháp, năm đi lính thì có lẽ là vào 1939 hoặc 1940 như anh đã nói. Thứ duy nhất gia đình còn giữ lại được là một bức ảnh được chụp trước lúc ra đi. Thông tin về người thân của cụ cố và bức ảnh đó em sẽ gửi qua mail cho anh.
    Một lần nữa xin cảm ơn vì sự giúp đỡ của anh

    Posted by dinhphi tran | 28/08/2020, 16:16

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: